Hệ thống giáo dục của New Zealand và Việt Nam có những điểm khác biệt, đặc biệt là ở bậc phổ thông trung học, đại học và sau đại học. Chính vì vậy, những kiến thức căn bản dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng có những lựa chọn học tập phù hợp.
Hệ thống giáo dục của New Zealand được chia thành 3 cấp độ: Giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); Giáo dục đại học và sau đại học. Trong đó, bậc trung học phổ thông, đại học và sau đại học là những bậc học phổ biến được các bạn trẻ Việt Nam lựa chọn khi du học New Zealand.
Giáo dục phổ thông bao gồm 13 lớp, từ Lớp 1 (5 tuổi) đến Lớp 13 (19 tuổi). Đa số các trường phổ thông là trường công và nhìn chung, các trường có cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy khá tương đồng. Hầu hết các trường phổ thông tiếp nhận cả học sinh nam và nữ, có khoảng 10% các trường chỉ nhận hoặc nam sinh hoặc nữ sinh, và có một số trường nội trú. Cũng có một số ít các trường là trường tư thục, hoặc các trường liên kết với các giáo hội.
Từ Lớp 1 đến Lớp 10, học sinh được tạo điều kiện tối đa để phát huy tiềm năng của bản thân thông qua chương trình học theo khung chuẩn quốc gia (New Zealand Cirriculum – NZC). NZC bao phủ nhiều lĩnh vực, giúp học sinh định hình nền tảng vững chắc cho bản thân, đặc biệt là các kĩ năng sống và giá trị sống. Từ khoảng giữa năm Lớp 10, học sinh sẽ bắt đầu xác định con đường tương lai của mình, với các lựa chọn như: học đại học, học nghề, đi làm.
Bậc phổ thông trung học
Với bậc Phổ thông trung học (có thể được gọi là Secondary school, hoặc High school, hoặc College), học sinh sẽ học chương trình Chứng chỉ Giáo Dục Quốc gia NCEA (National Certificate of Educational Achievement; tương đương với Bằng Tốt Nghiệp PTTH của Việt Nam). NCEA được thiết kế linh động, phù hợp với năng lực và sở thích của từng học sinh, cũng như với định hướng ngành học tương lai mà các em quan tâm. Với hình thức tích lũy tín chỉ, NCEA cho phép học sinh trung học được lựa chọn môn học theo thế mạnh của bản thân. NCEA có 3 cấp độ: 1, 2 và 3 tương đương với Lớp 10, 11 và 12 của Việt Nam. Sau cấp độ 1 và 2, các em có thể chọn học cấp độ tiếp theo hoặc chuyển sang học nghề (sau khi học nghề vẫn có thể tiếp tục lên đại học). Các trường phổ thông cũng giảng dạy nhiều môn học để giúp học sinh có thể đi làm hoặc theo học nghề sau khi rời trường phổ thông và các môn học này đều được ghi nhận tín chỉ để học sinh có thể hoàn thành NCEA. Chứng chỉ NCEA được tất cả các đại học tại New Zealand và tại các nước khác trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Đức… công nhận. NCEA Level 3 tương đương với A-Levels ở Anh và Certificate of Education (ACE) ở Úc.
Lớp 13 ở New Zealand tương đương với Lớp 12 ở Việt Nam (vì các bạn nhỏ New Zealand bắt đầu học lớp 1 ngay sau sinh nhật 5 tuổi). Yêu cầu đầu vào của các trường phổ thông ở New Zealand rất linh động: học sinh không nhất thiết phải thi các chứng chỉ tiếng Anh (như IELTS, TOEFL…) mà chỉ cần nộp học bạ và nếu cần thiết thì sẽ được phỏng vấn hoặc làm một bài kiểm tra năng lực ngoại ngữ để các trường hỗ trợ thêm về mặt tiếng Anh khi học sinh theo học tại trường.
Ngoài NCEA, các em có thể chọn chương trình Cử nhân Quốc tế (IB) và chương trình Cambridge (Cambridge International Examinations).
Bậc đại học và sau đại học
Bậc đại học và sau đại học gồm hệ thống các trường đại học, học viện kỹ nghệ, các trường tư thục.
Trường đại học (University)
New Zealand có 08 trường Đại học, bao gồm: University of Auckland, AUT University, Lincoln University, Victoria University of Wellington, Massey University, University of Waikato, University of Canterbury, University of Otago. Tất cả đều là trường công lập, có chất lượng khá tương đồng nhau. New Zealand là quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các trường ĐH công lập nằm trong 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng các Đại học tốt nhất thế giới QS năm 2017/18 (QS World University Rankings 2017/18). Đồng thời, thống kê mới nhất của Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới tính theo ngành học (QS World University Rankings by Subject) cho thấy New Zealand có 22 ngành học thuộc top 50 trên toàn thế giới. Kết quả này đến từ phần đầu tư khoảng hàng trăm triệu đô la New Zealand mỗi năm của các trường ĐH New Zealand để phục vụ nghiên cứu. Ngân sách dành cho nghiên cứu và sáng tạo của 8 trường ĐH New Zealand chiếm hơn 1/3 ngân sách dành cho nghiên cứu và sáng tạo của cả nước. Hệ thống giám sát giáo dục các trường đại học tại New Zealand giúp đảm bảo tiêu chuẩn cao và sự nhất quán trong cả công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Trường đại học đào tạo các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Các chương trình Cử nhân thường kéo dài 3 năm (với các ngành Kỹ sư thì thời gian học là 4 năm, các ngành Kiến trúc hoặc Thú y kéo dài 5 năm, và chương trình học ngành Y thường là 6 năm). Tùy vào thành tích học tập sau chương trình Cử nhân 3 năm, sinh viên có thể tiếp tục học thêm 1 năm để có bằng Cử nhân danh dự (Bachelor’s Honors Degree). Thời gian học Thạc sĩ có thể kéo dài 1 năm, 1 năm rưỡi hoặc 2 năm. Bậc Tiến sĩ có thời gian trung bình từ 3-4 năm thay vì 4-5 năm như nhiều quốc gia khác.
Học viện Kỹ nghệ (Institutes of Technology and Polytechnic – ITPs)
New Zealand có 16 Học viện Kỹ nghệ, đào tạo và giảng dạy các chương trình học thuật, nghề hoặc các khóa huấn luyện chuyên nghiệp với nhiều ngành học đa dạng, trọng tâm của chương trình giảng dạy là những kiến thức mang tính ứng dụng cao và cung cấp kinh nghiệm thực tế cho người học. ITPs thường xuyên tham khảo ý kiến với các doanh nghiệp để đảm bảo chương trình học và những kĩ năng của sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài Chứng chỉ (Certificate), Văn bằng (Diploma), ITPs cũng giảng dạy các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, và giá trị của các bằng cấp được công nhận tại New Zealand cũng như trên toàn cầu.
Các trường tư thục (Private Training Establishments – PTEs)
Có hơn 500 trường tư thục có đăng ký hoạt động ở New Zealand. Nhiều trường tư thục có các khóa học thích hợp để đào tạo các ngành nghề cụ thể, giúp sinh viên đạt được những chứng chỉ và văn bằng để có thể đi làm. Ví dụ chuyên ngành kiểm soát không lưu, phi công và đào tạo máy tính cũng như đào tạo giáo viên mầm non, du lịch và các ngành thiết kế.
Các học viện tại New Zealand cung cấp đa dạng lựa chọn học tập cho sinh viên, từ các ngành nghề cơ bản như Khoa học, Kỹ thuật, Quản trị kinh doanh, Nông nghiệp cho đến các ngành học chuyên biệt với các môn học mới ít được giảng dạy tại các nước khác trên thế giới, nhưng lại là những ngành học mới nổi, có triển vọng công việc tốt như An ninh mạng, Quản lý thể thao, Hàng không, Làm phim…
Một lựa chọn khác cũng được đông đảo sinh viên quốc tế theo học tại New Zealand là các khóa học tiếng Anh, từ Tiếng Anh tổng quát hỗ trợ giao tiếp, du lịch,… cho đến các khóa Tiếng Anh luyện thi IELTS, TOELF, Cambridge; Tiếng Anh học thuật; Tiếng Anh chuyên ngành; các khóa học này được thiết kế linh động để phù hợp với nhu cầu và trình độ của từng học viên.