Mục lục nội dung
Tại buổi hội thảo “Thông tin chính thức về chương trình Học bổng NZSS 2023” diễn ra vào ngày 13/2/2023 đã góp phần giải đáp rất nhiều thắc mắc và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho người tham dự.
Khách mời của buổi hội thảo gồm có:
- Tiến sĩ Lý Ngọc Điệp – Quản lý cấp trung tại Đại học Auckland, New Zealand. Chị được biết đến rộng rãi thời gian gần đây với vai trò là phụ huynh của nữ sinh Trần Ngọc Hân – cựu học sinh trường trung học Epsom Girls Grammar School tại New Zealand. Gần đây, Ngọc Hân đã được cấp học bổng toàn phần trị giá hơn 7 tỷ đồng để theo học ngành Tâm lý học tại Đại học Harvard danh tiếng khi chỉ mới 16 tuổi.
- Ca sĩ – Nhạc sĩ Hạnh Ngân (VSTRA) – Gen Z tài năng của làng nhạc Việt, nổi tiếng với các bản hit như “Your smile” hay “Internet Love”. Hạnh Ngân từng có trải nghiệm học 3 năm cấp 3 tại trường trung học Cambridge High School, New Zealand.
Mời quý phụ huynh và học sinh có thể xem lại buổi hội thảo để có thêm thông tin và nhận thêm giải đáp cho những thắc mắc của mình.
Link record: https://drive.google.com/drive/folders/1r2iiQ9umijK2v71nDHAR0PCXKPJHEKjg?usp=share_link
Lý do để chị Điệp lựa chọn New Zealand làm điểm đến cho chương trình Tiến sỹ là gì? Những đánh giá của chị Điệp về giáo dục ở New Zealand nói chung và giáo dục bậc trung học ở New Zealand nói riêng ạ? (14:59 – 21:51)
Chị Điệp: Trước đây, tôi cũng trúng tuyển học bổng từ các nước khác như Mỹ và Úc, nhưng cuối cùng vẫn chọn học tại New Zealand vì 2 lý do sau. Thứ nhất, New Zealand có những hỗ trợ rất tốt dành cho nghiên cứu sinh có gia đình. Ví dụ, con cái được hưởng những chính sách tương tự với trẻ em bản địa, người thân đi cùng thì được hỗ trợ thị thực làm việc (work visa). Thứ hai, New Zealand mang đến một cảm giác bình yên và chan hòa, không xô bồ và áp lực như những thành phố mà tôi từng sống.
Về nền giáo dục New Zealand nói chung, tôi ấn tượng về phương pháp giáo dục thiên hướng khai phóng và tôn trọng sở thích của trẻ. Học sinh được tự do lựa chọn những đề tài mình mong muốn để học tập và nghiên cứu. Những dự án thực tiễn giúp các em có cái nhìn rõ nét hơn về lĩnh vực mình yêu thích. Học sinh cũng không bị giao cho quá nhiều bài tập, bởi các em cũng đã có sự tìm hiểu nghiên cứu kỹ về đề tài trước đó. Ví dụ, khi được học về bảng cửu chương, các con được dạy những nguyên tắc để suy luận, chứ không phải là học thuộc lòng một cách máy móc.
Chương trình Trung học của New Zealand có nhiều điểm khác biệt so với Việt Nam. Ngay từ lớp 12, 13 (New Zealand có 13 lớp thay vì 12 như Việt Nam), các con đã được học một số môn có liên quan đến chuyên ngành của mình. Do đó, cách học ở New Zealand sẽ chú trọng vào việc giúp học sinh hiểu bài một cách thấu đáo, thông qua sự định hướng môn học từ giáo viên và thông qua những dự án thực tiễn tại lớp.
Hạnh Ngân có thể chia sẻ lại hành trình đến với âm nhạc của mình không? (21:55 – 27:06)
Hạnh Ngân: Lúc còn ở Việt Nam, vì lịch trình học tập dày đặc nên mình chưa thể đào sâu và tìm hiểu bản thân muốn trải nghiệm điều gì. Đến khi qua New Zealand, mình có thêm nhiều thời gian cho bản thân hơn, một phần là vì một ngày chỉ đi học từ 9g00 – 15g00, một phần nữa là vì thầy cô không giao bài tập về nhà mà sẽ ưu tiên việc học và hiểu ngay tại lớp. Nhờ vậy, mình bắt đầu viết nhạc nhiều hơn. Hành trình làm nhạc của mình bắt đầu từ đó. Mình bắt đầu “xả” những suy nghĩ và tâm tư qua âm nhạc. Thêm vào đó, việc sống xa nhà và cơ hội trải nghiệm nền văn hóa mới cũng tạo cảm hứng để mình viết nhạc có chiều sâu hơn.
Nhận xét về nhận định “Sau khi sang New Zealand, các bạn học sinh Việt Nam cảm thấy mình học tập tốt hơn”? (27:06 – 36:20)
Chị Điệp: Thật ra, học sinh và sinh viên Việt Nam nổi trội về các môn khoa học Toán- Lý – Hóa, vì có một số kiến thức đã được học trước ở Việt Nam. Song, các bạn lại yếu thế hơn học sinh New Zealand về các kỹ năng mềm, khả năng làm dự án, kỹ năng về tranh luận, thuyết trình, bởi các bạn ấy được áp dụng việc học vào thực tế. Chính vì thế, có thể nói, mặc dù các bạn Việt Nam rất chăm và chú trọng việc học, nhưng các bạn cũng nên tận hưởng cuộc sống và tập trải nghiệm nhiều hơn để bổ sung thêm phần kỹ năng thực tiễn.
Hạnh Ngân: Từ kinh nghiệm của bản thân thì em thấy có 4 yếu tố giúp cho các bạn học sinh Việt Nam cảm thấy mình học tốt hơn khi sang New Zealand:
– Chương trình học: Học sinh được lựa chọn các môn mình thích, từ đó có nhiều hứng thú học tập hơn.
– Văn hóa học tập: Mọi ý kiến và quan điểm của học sinh đều được tôn trọng. Các bạn được khuyến khích để tích cực trao đổi và bàn luận trong lớp, nhờ đó cũng hiểu bài và đạt kết quả học tập tốt hơn.
– Công nghệ: Nếu ở Việt Nam, việc sử dụng các thiết bị điện tử trong giờ học không được khuyến khích, thì khi sang New Zealand, các bạn học sinh có thể thoải mái sử dụng để phục vụ cho việc học tập và tra cứu ngay tại lớp. Điều này tạo thêm động lực và môi trường học tập thoải mái, không gò bó để các bạn học tập tốt hơn.
– Ngoài ra, bản thân các bạn học sinh Việt Nam đã có sẵn tố chất và tính cách chăm chỉ cần thiết để học tốt.
Khi con học ở New Zealand, làm thế nào để các phụ huynh có thể tương tác với thầy cô và nhà trường để nắm được kết quả học tập của con? (36:58 – 41:55)
Chị Điệp: Thay vì tổ chức các buổi họp phụ huynh tập thể, nhà trường sắp xếp các buổi họp cá nhân dành cho từng vị phụ huynh. Mỗi buổi kéo dài khoảng 15 phút với sự tham gia của cả thầy cô và các em học sinh. Trong buổi họp, các con có quyền thẳng thắn trao đổi về những nhận xét, đánh giá của thầy cô, cũng như được bàn luận về những điểm con yêu thích và những điều con muốn thay đổi trong quá trình học. Những buổi họp phụ huynh như vậy kéo dài đến hết cấp ba, nhằm giúp các con chủ động trong việc học của bản thân.
Hạnh Ngân: Nếu phụ huynh ở xa như trường hợp gia đình em, thì mỗi trường đều có International Office – phòng ban chuyên hỗ trợ cho các sinh viên quốc tế – sẵn sàng hỗ trợ các phụ huynh thông qua Skype hoặc email.
Chị Điệp và Hạnh Ngân cảm nhận như thế nào về con người và cuộc sống ở New Zealand? (43:43 – 54:19)
Hạnh Ngân: Ở New Zealand, mọi người rất thân thiện. Điều đó được thể hiện từ những cử chỉ quan tâm hết sức nhỏ nhặt như chào hỏi. Mình đã cảm nhận được điều này ngay trong ngày đầu đặt chân đến New Zealand. Cả hàng xóm và bạn học đều chào hỏi rất nhiệt tình, tạo cho mình một cảm giác rất gần gũi, ấm áp. Chính điểm này khiến mình rất quý New Zealand và con người nơi đây.
Chị Điệp: Với tôi, người New Zealand rất trân trọng các giá trị về gia đình và dành rất nhiều thời gian cho con cái, đặc biệt là thông qua các hoạt động thể thao. Họ luôn đề cao việc cân bằng giữa công việc và học tập, không khuyến khích chuyện làm việc quá sức mà bỏ bê sức khỏe hay gia đình.
Theo quan sát của tôi, trường có rất nhiều hỗ trợ cho các học sinh, từ các phòng ban để chăm lo cho đời sống của các bạn, đến cả những hỗ trợ thiết thực trong việc học tập, điển hình như việc ghép “buddies” để hỗ trợ các bạn còn chưa vững tiếng Anh. Ngoài ra, trường cũng đặc biệt chú ý đến hệ thống homestay, khi có những tiêu chí lựa chọn kỹ lưỡng và tổ chức những buổi kiểm tra chất lượng định kỳ. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian dịch, các học sinh cũng được nhận được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ phía chính phủ.
Bí quyết chọn trường là gì và làm sao để học tập tốt? (58:17 – 1:04:30)
Hạnh Ngân: Khi chọn trường, các bạn nên cân nhắc và nghiên cứu kỹ những yếu tố sau:
– Tính chất thành phố mà bạn dự định học (đông đúc nhộn nhịp hay yên bình êm ả)
– Giáo trình của các môn sẽ được dạy (xem trên website của trường)
– Học phí của trường
Còn về cách để học tập tốt thì bạn cần nắm bắt được bài học ngay trên lớp và tìm đến sự hỗ trợ của International Office nếu cần.
Chị Điệp: Nhà trường cũng cung cấp tài liệu học tập qua tài khoản cá nhân của học sinh. Do đó, ngoài các bài tập mà giáo viên yêu cầu, các con có thể tự tìm hiểu, đào sâu thêm các nội dung có sẵn trên tài khoản này để học tốt hơn.
Chị Điệp và Hạnh Ngân nghĩ như thế nào về việc đi du học sớm? (1:08:40 – 1:11:35)
Chị Điệp: Nếu muốn cho con đi du học sớm, các phụ huynh nên chuẩn bị sẵn cho con nền tảng vững chắc về giao tiếp, kỹ năng sống và cách để sống độc lập, khuyến khích các con chủ động hơn. Nhưng nhìn chung, các con cũng phải có nguyện vọng muốn đi du học và trải nghiệm, thì các bố mẹ mới có thể giúp con được.
Hạnh Ngân: Điều này còn phụ thuộc vào bạn học sinh, liệu bạn ấy đã sẵn sàng để đi xa gia đình hay chưa, hoặc liệu bạn đã muốn trải nghiệm, dấn thân vào những điều mới hay chưa. Để giúp việc du học có hiệu quả, cũng như tiết kiệm thời gian và tiền bạc, các bạn cần thiết phải chuẩn bị một tâm lý vững vàng, sẵn sàng khám phá để không bị nản chí trên con đường học tập một mình tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc đi du học sớm giúp các bạn làm quen với cách dạy và học tập ở môi trường quốc tế. Việc chuyển bảng điểm lên đại học, hoặc viết thư xin giới thiệu cũng dễ dàng hơn vì các bạn đã quen với các giáo sư ngay từ thời điểm học trung học rồi.
Chia sẻ về việc học nhảy lớp khi từ Việt Nam sang New Zealand (1:20:05 – 1:25:50)
Hạnh Ngân: New Zealand không quan trọng việc bạn đang học lớp mấy ở Việt Nam, mà chỉ quan trọng việc bạn cần phải hoàn thành đủ 3 cấp độ NCEA Level 1, 2, 3 nếu muốn hoàn thành bậc Trung học ở New Zealand. Vì mình vẫn có thể theo được Lớp 11 của bên này, nên các thầy cô và bộ phận International Office vẫn chấp nhận để mình học tiếp.
Chị Điệp: Một lớp sẽ không có giáo trình chung cho tất cả các học sinh. Mỗi bạn sẽ được học theo năng lực của mình. Ví dụ nếu đang học lớp 9, nhưng đã có thể làm được các bài tập lớp 11, 12, thì các bạn ấy hoàn toàn có thể học vượt cấp ở môn đó.
Câu hỏi từ khán giả: Bảng điểm của em chưa tốt, thì có ảnh hưởng đến kết quả xin học bổng hay không ạ? (1:04:50 – 1:08:22)
Mặc dù có những yêu cầu nhất định về mặt học thuật, nhưng học bổng sẽ không chỉ chú trọng vào những bạn có điểm số cao nhất. Chỉ cần bạn đáp ứng đủ các yêu cầu, hãy cứ mạnh dạn ứng tuyển và thể hiện rõ những thế mạnh của bản thân trước hội đồng giám khảo là được.
Câu hỏi từ khán giả: Học bổng NZSS hỗ trợ bao nhiêu phần trăm học phí? (1:26:34 – 1:30:15)
Học bổng NZSS 2023 hỗ trợ 50% học phí năm học đầu tiên. Học bổng mong muốn đem đến sự công nhận và hỗ trợ tài chính cho các bạn học sinh trung học có nguyện vọng học tập tại một môi trường quốc tế như New Zealand.
Đến những năm học sau, các bạn có thể ứng tuyển các suất học bổng duy trì do chính các trường cung cấp, nhưng sẽ không được ứng tuyển lại suất học bổng NZSS nữa.
Câu hỏi từ khán giả: Nếu các sinh viên có kết quả IELTS trên trang web từ ngày 4/3 thì có thể ứng tuyển luôn không, hay phải chờ đến lúc có bản cứng thì mới được nộp hồ sơ ạ? (1:31:30 – 1:32:22)
Ngay khi có kết quả IELTS thì bạn đã có thể ứng tuyển bằng cách gửi hình ảnh xác nhận kết quả. Tiếp đó, khi đã có bản cứng, bạn cần scan lại chứng chỉ và gửi về địa chỉ mail ứng tuyển của học bổng.
Câu hỏi từ khán giả: Mình có thể xem danh sách các trường cung cấp học bổng cũng như các thông tin về học bổng ở đâu? (1:32:24 – 1:33:20)
Các phụ huynh có thể truy cập WEBSITE CHÍNH THỨC và trang fanpage THÔNG TIN GIÁO DỤC NEW ZEALAND để được cập nhật những thông tin chi tiết và đầy đủ nhất về chương trình học bổng NZSS 2025.
Câu hỏi từ khán giả: Cơ hội việc làm cho các con sau khi học tập tại New Zealand có rộng mở hay không? (1:33:20 – 1:35:06)
Theo chính sách hiện tại, các bạn sinh viên hoàn thành bậc cử nhân toàn thời gian ở New Zealand sẽ được nộp thị thực ở lại New Zealand để tìm và làm việc đến 3 năm. Đây là cách để Chính phủ New Zealand tạo điều kiện cho du học sinh quốc tế có thể phát triển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Chương trình học bổng NZSS năm nay mang đến các suất học bổng hỗ trợ 50% học phí cho năm học đầu tiên tại một trong 45 trường trung học chất lượng New Zealand.
Điểm mới trong chương trình năm nay là các ứng viên nếu không đạt học bổng NZSS vẫn sẽ được trao thêm cơ hội thứ hai: Ban Học bổng sẽ tiếp tục cân nhắc các ứng viên này cho các học bổng khác từ các trường trung học New Zealand. Cơ chế xét tuyển kép này đảm bảo ứng viên có thể tối đa hóa cơ hội nhận học bổng khi nộp đơn ứng tuyển. Học sinh trung học có nguyện vọng ứng tuyển học bổng NZSS cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định, bao gồm điểm trung bình (GPA) từ 8 trở lên và chứng chỉ tiếng Anh tương đương với IELTS 5.0. Tham khảo chi tiết về chương trình Học bổng NZSS 2025 và các hướng dẫn nộp đơn ứng tuyển tại TRANG WEB CHÍNH THỨC. |