Để xin được việc toàn thời gian sau tốt nghiệp, việc đi thực tập là rất cần thiết; còn muốn tìm việc bán thời gian, sinh viên hãy nhờ quảng cáo hoặc mối quen biết.

Hà An Nguyên, cử nhân Kinh tế và Xã hội học, Đại học Victoria Wellington, du học New Zealand từ bậc trung học và đi làm thêm năm 17 tuổi. Chủ tịch tổng Hội sinh viên Việt Nam tại New Zealand cho biết học sinh quốc tế được phép làm thêm 20 tiếng/tuần trong học kỳ và toàn thời gian trong kỳ nghỉ, với mức lương tối thiểu 18,9 NZD (hơn 270.000 đồng) mỗi giờ.

Sinh viên có thể tìm công việc bán thời gian thông qua các mối quan hệ quen biết, poster cửa hàng, website công ty bạn yêu thích hoặc từ kênh thông tin của trường.

Công việc bán thời gian được chia thành ba nhóm chính gồm những ngành về dịch vụ, bán lẻ và admin. Du học sinh có thể xin làm pha chế, nhân viên phục vụ ở quán cà phê, tiệm trà sữa hoặc bồi bàn, phụ bếp trong nhà hàng, chuỗi ăn nhanh, hoặc nhân viên thu ngân tại siêu thị hoặc bán hàng thời trang, đồ gia dụng.

“Siêu thị là nơi tuyển nhiều người nhất và yêu cầu kinh nghiệm thấp nhất. Bán hàng gia dụng là việc tôi làm trong lúc học cấp 3 và đại học”, Nguyên nói, cho biết các tiệm mỹ phẩm, cửa hàng thuốc cũng có những việc không yêu cầu chuyên môn.

Ngoài những công việc này, bạn còn có thể đảm nhận vị trí admin quản lý chung ở các văn phòng của trường đại học.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh (trái) và chị Trương Vân Anh (phải) trong buổi chia sẻ kinh nghiệm xin việc tại Ngày hội du học New Zealand 2023 hôm 15/10 ở Hà Nội.

Trong thời gian học thạc sĩ tại New Zealand, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng cấp cao mảng Tư vấn Thương vụ và Tư vấn Doanh nghiệp, công ty PWC Việt Nam, dạy tiếng Việt cho các em nhỏ là con của những người Việt Nam hoặc có bố mẹ một nửa Việt Nam và nước ngoài. Chị cũng bán đồ ăn truyền thống Việt Nam như bánh mì, phở cho một quán ăn của người New Zealand trong trường. Thỉnh thoảng trường hoặc địa phương có sự kiện, chị đăng ký hỗ trợ khâu tổ chức và được trả lương.

Chị Quỳnh Anh cho hay tùy vào mục tiêu của từng người để có sự ưu tiên về công việc. Học về lĩnh vực kinh doanh nên ngoài giờ học, chị Quỳnh Anh muốn có thêm trải nghiệm, học hỏi về văn hóa, cách thức thức vận hành doanh nghiệp ở New Zealand.

Các bậc học khác nhau có cách tìm việc khác nhau. Chị Trương Vân Anh, chuyên gia đánh giá dự án, Tổ chức tài chính quốc tế IFC, thuộc Ngân hàng thế giới (WB), sang New Zealand học tiến sĩ, từng làm bán thời gian cho một viện y tế cộng đồng và trường sau đại học của Đại học New Auckland với vị trí nhân viên nghiên cứu.

Khác với bậc đại học hoặc thạc sĩ, ở bậc tiến sĩ, cơ hội việc làm bán thời gian thường đến qua việc đi dự hội thảo, gặp gỡ mọi người. Tại đây, bạn nói về nghiên cứu của mình và sẽ được mời tham gia các dự án nếu phù hợp.

“Nhờ các kết nối của thầy, cô và cơ hội sau những lần dự hội thảo, tôi không phải đi tìm việc”, chị Vân Anh chia sẻ.

Các cựu sinh lưu ý khi đi làm, phải đăng ký mã số thuế với chính phủ New Zealand để hiểu được những quyền lợi của bản thân như được phép nghỉ bao nhiêu, được trả lương như thế nào… Du học sinh phải ký hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình.

“Bạn cũng cần giữ gìn sức khỏe và luôn ưu tiên việc học trước”, Nguyên nói.

Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân trở lên có thể ở lại ba năm để làm việc trừ diện đi theo học bổng chính phủ toàn phần New Zealand. Theo chị Vân Anh, tốt nghiệp các trường ở New Zealand sẽ có lợi thế bằng cấp được công nhận toàn cầu nên bạn có thể xin được việc ở đây, Australia và châu Âu.

“Hãy cố gắng đi thực tập trong các doanh nghiệp nhiều nhất có thể. Đây là cánh cửa đầu tiên giúp bạn có công việc toàn thời gian”, chị Vân Anh nói, cho biết khoảng 60% bạn bè của mình học về kỹ thuật đều xin việc qua kênh này.

Chuyên gia của WB giải thích thực tập là cơ hội để bạn thể hiện khả năng làm được gì và có đóng góp gì khi công ty chưa phải trả lương cho bạn. Bạn đang chịu thiệt về thu nhập nhưng lại được học nhiều về môi trường, kỹ năng làm việc và chuyên môn.

Chị khuyên bậc đại học và cử nhân nên theo hướng này nhưng tiến sĩ hơi khác vì có hai ngã rẽ, phổ biến nhất là đi dạy hoặc làm nghiên cứu. Tuy nhiên số lượng việc làm trong các trường đại học không nhiều nên bạn cần xem thêm cơ hội ở các trường của Australia hoặc châu Âu. Nếu không, bạn phải chấp nhận nghiên cứu ở mức thấp hơn trong các trường cao đẳng để chờ cơ hội.

Vân Anh không đi theo hướng giảng dạy mà xác định làm việc cho các tổ chức phi chính phủ. Chị ước mơ làm ở WB song để được chấp nhận, chị cần kinh nghiệm liên quan, có sự trải nghiệm đa quốc gia và có khả năng nghiên cứu. Bằng tiến sĩ là tờ giấy chứng minh chị có khả năng nghiên cứu độc lập ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Môi trường làm việc ở New Zealand linh hoạt, thân thiện và ít căng thẳng. Chị không phải nhận email hay cuộc gọi công việc vào cuối tuần. 16h thứ 6 hàng tuần, các nhân viên sẽ rời văn phòng để tận hưởng không gian bên ngoài. Công việc toàn thời gian nhưng bạn có thể đăng ký làm việc từ 9h đến 15h, 5 ngày trong tuần.

“15h mọi người có thể đi đón con rồi 16h quay lại làm việc trên máy tính. Mọi người tôn trọng cuộc sống ngoài công việc của người khác”, chị cho hay.

Theo chị Vân Anh, 97% doanh nghiệp của New Zealand là SME (doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nhiều công ty có 10 nhân viên, thậm chí 5, nên khi xin việc ở đây, sự quen biết, giới thiệu rất quan trọng. Trong môi trường làm việc ít người thì sự tin cậy được đặt lên hàng đầu.

Công việc đầu tiên ở New Zealand là công việc bạn tìm sự giới thiệu nhiều hơn là thu nhập. Lương có thể không cao nhưng nếu có được sự giới thiệu tốt, bạn sẽ tiến đến công việc thứ hai thuận lợi.

“Sự giới thiệu gần như đóng vai trò tiên quyết trong việc cho bạn một công việc ổn định sau tốt nghiệp”, chị nói.

Ngày hội du học New Zealand là hoạt động thường niên do chính phủ New Zealand tổ chức nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam chủ động hoạch định tương lai nghề nghiệp. Năm nay, sự kiện thu hút hơn 800 người tham dự ở cả hai điểm tổ chức Hà Nội và TP HCM.

Bình Minh.

Nguồn: https://vnexpress.net/kinh-nghiem-tim-viec-o-new-zealand-4665338.html